Nhận định Lê_Đại_Hành

Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được. Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn.

— Đại Việt sử ký

Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi bọn họ, có thể gọi là bậc anh hùng nhất đời vậy. Song trong khi làm nhiếp chính mà tự xưng là Phó Vương, dẫn đến việc bọn Điền, Bặc phải khởi binh, lên ngôi vua thì phải nhờ bọn Cự Lạng đem binh đến uy hiếp, làm cung điện thì lấy vàng, bạc mà trang sức. Phàm những việc như thế thì không bằng Lý Thái Tổ biết nghĩ xa hơn. Văn Hưu nói lấy đức của nhà Lý mà soi đức của nhà Lê thì [đức của Lý] dày hơn, há chẳng đúng sao!

— Đại Việt Sử ký Toàn thư

Vua Đại Hành là người anh minh, quả quyết, nhiều mưu trí, dụng binh khéo như thần, cho nên khu sách các anh hào, vang động cả quân Mán và người Tàu. Nhưng vì tính nghiêm khắc, ưa nịnh hót, chỉ cốt làm cung điện cho lộng lẫy xa xỉ, còn chỗ dinh thự và trại lính thì để chật hẹp quê kệch. Sứ thần Tống thấy thế chê cười.

— Việt sử tiêu án
  • Về vua Lê Đại Hành, sử nhà Tống dẫn lời Tống Cảo, người đi sứ sang Đại Cồ Việt đã từng gặp Lê Hoàn mô tả ông là "con người mắt lé" nhưng "hung hãn" và "có chí vác cả núi ngăn cả bể".[33][34]
  • Theo Phan Huy Chú nhận định trong Lịch triều hiến chương loại chí: Lê Đại Hành là một vị vua mà "Sứ thần Trung Quốc phải tôn sùng, tù trưởng sơn động hết chuyện làm phản. Thành Hoa Lư phồn vinh hơn cả nhà Đinh. Còn lưu ý đến sức dân, quan tâm đến chính sự của nước, chú trọng nghề làm ruộng, nghiêm ngặt việc biên phòng, quy định pháp lệnh. Tuyển lựa quân ngũ... có thể nói là hết sức siêng năng, hết lòng lo lắng".[35]
  • Theo Việt giám thông khảo tổng luận, Lê Tung bàn rằng:[36]

Lê Đại Hành cầm quyền tướng quân mười đạo, giữ chức nhiếp chính, vua bé nước nguy, nhân thời chịu mệnh, giết vua Chiêm Thành để rửa cái nhục sứ thần bị bắt, phá quân Triệu Tống làm nhụt cái mưu tất thắng của chúng. Dùng bọn Hồng Hiến, Cự Lạng, Từ Mục, Tử An để làm tả hữu. Cày ruộng tịch điền ở Long Đội, mời người xử sĩ ở Tượng Sơn, kén dùng hiền tài, dựng mở trường học, có mưu lược to lớn của bậc đế vương. Nhưng làm lắm việc thổ mộc, lấy vàng ngọc trang sức cung lầu, gây nhiều việc can qua, coi nhân dân không khác cỏ rác, dẫu muốn không suy, có thể được không?

— Lê Tung

Lê Đại Hành tin dùng, lắng nghe sự cố vấn của các thiền sư Phật giáo như Vạn Hạnh, Khuông ViệtĐỗ Pháp Thuận. Những cao tăng này đã hỗ trợ tích cực cho ông trong các hoạt động chính trị, quân sự và ngoại giao.[28][37][38]

  • Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết rằng: "Vua trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sự. Tiếc rằng không sớm chọn con nối, khiến cho con cái tranh nhau bên trong, dẫn đến mất ngôi".
  • Theo sách An Nam chí lược, trước khi sai quân đánh Đại Việt, vua Tống Thái Tông đã ra lời chiếu như sau: Thanh-giáo và oai linh của nước nhà vang khắp cả mọi nơi, gần đây đất Diên-Chỉ chưa sáp nhập vào địa-đồ Trung-Quốc, chúng ở một phương, gần nơi Ngũ-Lĩnh. Từ cuối đời Đường rối loạn, chia sẻ đất đai, rồi chúng làm ra một nước tiếm ngụy, ở xa thanh-giáo thành ra phong-tục như đứa mù đứa điếc. Kịp khi Phiên-Ngung đã bình-định, mới ban cho Chính-Sóc mà tuân hành, tuy đã phục tùng chịu làm phiên thuộc, nhưng cứ tu luyện binh lính, có ý quật cường. Lễ thờ phụng nước trên, lẽ nào như thế? Vậy ta bất đắc dĩ phải trị tội gian ngụy để cứu dân, phải cử binh qua đánh để khai hóa xứ mọi rợ; nay cho bọn Tôn-Toàn-Hưng xuất quân qua đánh.[39]

Văn bản này đã xác nhận chính quyền nhà Tống chưa thực sự sáp nhập Đại Việt vào lãnh thổ Trung Quốc và Đại Việt có phong tục riêng biệt.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lê_Đại_Hành http://atruyen.com/lich-su/So-Thao-Bai-Su-Khac-Cho... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/333353 http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/ http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/2017/10/05/din... http://ditichlichsuvanhoa.com/dttc/DINH-AN-LANG-a3... http://quangduc.com/a20024/quyen-ha#Thi%E1%BB%81n http://quangduc.com/p157a19942/quyen-thuong#%C4%90... http://tusach.vietnhim.com/archive/index.php/t-10-... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb12348773v http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb12348773v